Trang chủ Ấn phẩm Sử Học Thái Công binh pháp

Thái Công binh pháp

Tác giả Hoàng Thạch Công

Dịch giả Mã Nguyên Lương - Lê Xuân Mai

Kích thước 14 x 20 cm

Số trang 160 trang

Năm xuất bản 1967

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Khai Trí
Đơn giá

BÀI TỰA CŨ SÁCH TỐ THƯ CỦA TRIỆU VĂN TÚC ĐỜI NHÀ MINH

  • Xét đời Tiền – Hán, Hoàng Thạch Công trao sách Tố Thư có sáu thiên cho Trương Tử Phòng tại Cầu Di, thì người đời phần nhiều cho là sách Tam Lược, đó là sự đồn đãi sai lầm.

Sách ấy có tất cả 1256 tiếng, có lời răn kín để hiểu ngầm mới hay, có thể bàn luận nhưng không bằng để học giả tự hiểu ngầm.

Có mưu kế hay không bằng giữ cách ngu dại, kẻ cứng là giặc, người mềm là đức, thực có thể lấy sự mềm yếu làm đạo khí.

  • Không được truyền cho kẻ vô đạo, cho kẻ chẳng phải thần, chẳng phải thánh, chẳng phải hiền. Ví bằng không phải vào hạng người đáng truyền như trên, mà lại truyền cho, ắt là phải chịu tai ương trời giáng. Gặp người đáng truyền mà lại không truyền, thì cũng bị tai ương trời giáng, ô hô, sự thận trọng thật là như vậy đó!
  • Thạch Công gặp được Tử Phòng mà truyền cho, còn Tử Phòng không gặp được người xứng đáng để truyền nên phải nương náu ở Tịch Cốc Đại Ẩn Sơn (tức là núi Tiền Tử Bách ngày nay).
  • Năm trăm năm sau, cuối đời Tấn có người tìm được sách ấy trong động đá, đem dâng lên quốc sư nhà Đại Minh là Lưu Bá Ôn. Họ Lưu bèn tự mình viết thêm lời chú giải, và từ đấy sách Tố Thư lại được lưu truyền trong nhân gian.
  • Nhưng trong sách lưu truyền ấy, bất quá chỉ là lời của Hoàng Thạch Công đó thôi, còn về ý tứ của Công, lời ấy có thể diễn tả được hết sao? Kẻ ngu này đã từng suy nghĩ đề điều ấy.
  • Đạo không ngày nào là không có trong trời đất, các bậc thánh hiền xưa đều hết lòng vào đấy. Vua Nghiêu kính cẩn chăm chỉ như Thượng Đế, Vua Thuấn chỉnh đốn bảy phép chánh trị, Vua Vũ lập ra chín phép trù để trị thiên hạ, sách Truyện giãi bày đạo trời, Vua Văn xủ tám quẻ, ông Châu Công lập quan lại theo trời đất bốn mùa, lại lập ra Tam Công để điều hòa âm dương, sách Xuân Thu và Hiếu Kinh của Khổng Tử, năm ngàn chữ của Lão Đam, chẳng sách nào là không nói đến đạo. Âm Phù Kinh nói: Vũ Trụ ở trong tay, vạn vật ở trong thân mình, đạo đến đó ắt là quỷ thần biến hóa đều không ra khỏi phạm vi của ta, huống chi là hình danh và phép đo toán tỉ mỉ hay sao?
  • Hoàng Thạch Công là người quân tử ở ẩn đời Tần, sách của ông giản dị, ý tứ thâm thúy, tuy Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Châu Công, Khổng Tử cũng không ra khỏi sách ấy. Chắc là Thạch Công biết Tần sắp mất, Hán sắp hưng nên lấy sách ấy trao cho Tử Phòng. Còn Tử Phòng há đã dùng hết sách ấy sao? Tử Phòng phò nhà Hán chỉ dùng hai hay ba phần mà thôi. Kinh Thư nói: Mưu kế bí mật mà tiết lậu ra thì thất bại. Tử Phòng cũng thường khuyên vua Cao Đế và Hàn Tín như vậy. Kinh Thư nói: Oán nhỏ mà không bỏ qua thì oán lớn ắt sinh. Tử Phòng cũng dùng lời ấy để khuyên Cao Đế Hầu và Ung Xỉ. Kinh Thư nói: Bày ra việc quyền biến để gỡ rối. Tử Phòng đặt ra bốn ông già (Tứ Hạo) để lập vua Huệ Đế. Kinh Thư nói: Chẳng có gì tốt bằng biết đủ. Tử Phòng đã chọn điều ấy để dùng riêng cho mình và tự bó buộc câu thúc mình. Kinh Thư nói: Dứt điều ham thích, ngăn điều thèm muốn để trừ phiền lụy. Tử Phòng dùng điều ấy để bỏ việc đời, đi ngao du theo Xích Tùng Tử. Than ôi! Bã để lại, cặn bỏ đi mà còn đủ để làm mất Tần, Hạng mà lập vua Bái Công, huống hồ là dùng đầy đủ, sâu xa và bồi bổ thêm!
  • Từ nhà Hán về sau, sự học chương cú văn từ rất thịnh hành, những kẻ sĩ biết đạo lại thường ít có. Kẻ ẩn cư cầu chí làm điều nghĩa, hiểu thấu đạo như Nghiêm Lăng, Gia Cát không thể có nhiều, vì thế mà sách này không truyền cho kẻ vô đạo, chẳng phải thần, chẳng phải thánh, chẳng phải hiền.

Lìa có, lìa không gọi là Đạo

Chẳng có, chẳng không gọi là Thần

Có mà không gọi là Thánh.

Không mà có gọi là Hiền.

(Ly hữu, ly vô chi vị đạo, phi hữu phi vô chi vị thần, hữu nhi vô chi chi vị thánh, vô nhi hữu chi chi vị hiền)

Nếu chẳng phải hạng người ấy, dầu có tụng hằng ngày sách này cũng không hề lãnh hội mà tự thi hành được.

Triều Đại Minh, niên hiệu Vạn Lịch, năm Mậu Tý, mùa thu, Triệu Văn  Túc ghi chép

Trích trong Thái Công binh pháp