Trang chủ Ấn phẩm Lý Chánh Trung Tôn giáo và dân tộc

Tôn giáo và dân tộc

Tác giả Lý Chánh Trung

Kích thước 14x20 cm

Số trang 134 trang

Năm xuất bản 1972

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Lửa Thiêng
Đơn giá

Đối với con người, tôn giáo và dân tộc là hai thực tại vừa thân mật vừa thiêng liêng, hai thực tại mà con người sẵn sàng chết để bảo vệ.
Trong trần gian này, còn gì quý hơn mạng sống. Nhưng trong trần gian này, luôn luôn có một số đông người dám hy sinh mạng sống của mình cho tôn giáo hoặc cho dân tộc. Bởi vì đối với con người, vấn đề không phải chỉ là được sống, mà còn là được sống như con người. Mà chúng ta đã sống được như con người phần lớn là nhờ dân tộc và tôn giáo. Mất đi một trong hai thực tại này, cuộc đời sẽ trở thành vô nghĩa, không còn đáng sống nữa.
Dân tộc đã chạm khắc nên khuôn mặt con người của chúng ta hôm nay, qua mấy ngàn năm vật lộn với văn hóa trái đất để nhân hóa thiên nhiên và nhân hóa chính mình, qua bao nhiêu thế kỷ trường tồn như một dân tộc.
Và tôn giáo đã đặt thêm cho khuôn mặt con người ấy một ý nghĩa, một giá trị siêu việt, đã hướng nó nhìn lên vòm trời cao để say ngắm ánh trăng sao mà mơ về vĩnh cửu.
Hầu hết những gì mang tính chất "người" nơi chúng ta, từ cảm xúc đến ý nghĩ và hành động, đều là công trình của dân tộc và tôn giáo. Cho dầu chúng ta có chối bỏ dân tộc hay phủ nhận tôn giáo, chúng ta vẫn là con cái của tôn giáo và dân tộc.
Dân tộc là mẹ, tôn giáo cũng là mẹ. Điều đáng buồn là trong lịch sử, hai bà mẹ thường xung đột với nhau, tranh giành những đứa con của mình, buộc chúng phải lựa chọn dứt khoát là con của ai. Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thời bách hại là trường hợp điển hình nhứt của sự tranh giành đó.
Cuộc xung đột ngày càng gay gắt hơn khi các phog trào Cách mạng bộc phát và tự đồng hóa với dân tộc. Khi đó, cuộc xung đột trở thành một mất một còn, hầu như không thể hòa giải được nữa.
Mục đích của cuốn sách nhỏ này là thử suy nghĩ về những vấn đề mâu thuẫn căn bản giữa tôn giáo và dân tộc để tìm kiếm những đường hướng khả dĩ đưa tới một sự hòa hợp chân thực và lâu bền hay ít nữa, biến một trạng thái xung đột tiêu cực thành một trạng thái căng thẳng phong phú có lợi cho cả hai bên. Và có lợi trước hết cho những đứa con của tôn giáo và của dân tộc.
Suy nghĩ về tôn giáo và dân tộc theo chiều hướng nói trên cũng là góp một phần nhỏ mọn vào việc chuẩn bị cuộc hòa giải giữa người Việt với người Việt mà tất cả chúng ta đều mơ ước, dầu chúng ta có quan niệm sự hòa giải ấy khác nhau đến đâu đi nữa.
[...]

Trích Lời nói đầu của tác giả