[...]
Đọc Đông Chu liệt quốc, tôi thấy rằng sau khi bị Ngô Khởi đánh bại, Điền Hòa than rằng: "Cách dùng binh của Ngô Khởi cũng ngang một bậc với tôn Võ, Nhương Tư!"
Đằng khác khi đọc cuốn Lý Vệ Công vấn đáp (tường thuật cuộc đối thoại giữa vua Đường Thái Tôn và Lý Tịnh), tôi thấy Lý Tịnh có nói rằng: "Trương Lương học theo Lục Thao, Tam Lược của Thái Công, còn Hàn Tín học theo binh pháp của Nhương Tư, Tôn Võ". (Lời này chứng tỏ rằng cuốn Tam Lược không phải do Hoàng Thạch Công hay Trương Lương sáng tác). Cũng trong sách ấy, vua Đường Thái Tôn và Lý Tịnh rất nhiều lần nhắc tới và trích dẫn nhiều đoạn trong cuốn Tư Mã Pháp của học Điền.
Như thế khi tìm đọc các sách binh pháp thời xưa, ta không thể bỏ qua cuốn Tư Mã pháp. Bởi lẽ ấy tôi không ngại bỏ công phiên dịch sách ấy ra Việt ngữ để đóng góp phần nào vào tủ sách binh học của nước nhà.
Chức Tư Mã ngày xưa cũng giống như chức Binh bộ thượng thư hay Tổng trưởng Quốc phòng ngày nay. Bởi thế Tư Mã Pháp có nghĩa là Binh pháp. Có khi sách ấy cũng được gọi là Tư mã Binh pháp nữa (Thí dụ, sách sử ký của Tư Mã Thiên gọi như thế). Để độc giả dễ hiểu hơn, tôi không gọi là Tư Mã Pháp như người ta thường gọi, mà bắt chước Tư Mã Thiên gọi là TƯ MÃ BINH PHÁP.
Sau khi phiên dịch sách này, dịch giả thấy rằng mình đã không bỏ công một cách vô ích vì Tư Mã Binh Pháp có một giá trị riêng của nó, và rất xứng đáng đứng chung với các sách binh pháp khác của đời Chu.
Dịch giả trích ra sau đây vài lời châu ngọc của họ Điền đã làm cho dịch giả ngạc nhiên và thích thú:
- Thời xưa, người ta lấy điều nhân làm gốc, dùng điều nghĩa để sửa trị, đó gọi là chính pháp.
- Chính pháp thi hành không được vừa ý thì phải dùng phép quyền biến, mà phép quyền biến thì chỉ phát xuất từ chiến tranh, chớ không phát xuất từ đám người bình thường vô sự.
Bởi thế cho nên:
- Giết người mà yên được lòng người thì việc giết ấy nên làm;
- Đánh nước người mà thương dân người thì việc đánh ấy nên làm;
- Dùng chiến tranh để ngăn ngừa chiến tranh thì chiến tranh ấy là việc nên làm.
Nước tuy lớn mà ham thích chiến tranh thì sẽ mất.
Thiên hạ tuy an ổn mà không lo phòng bị chiến tranh thì sẽ gặp nguy nan.
Khi thiên hạ đã bình yên, Thiên Tử bày ra săn bắn vào mùa xuân và mùa thu, còn chư hầu thì mùa xuân chấn chỉnh quân lữ, mùa thu sửa trị việc binh, để không quên việc chiến đấu.
-Tuy có Vua sáng, sĩ phu chưa được răn dạy trước thì chưa có thể đem ra dùng được.
- Ngày xưa những kẻ được dung túng trong triều đình thì không được đưa vào quân lữ, những kẻ được dung túng trong quân lữ thì không được đưa vào triều đình, cho nên đức và nghĩa không vượt nhau. Những kẻ được dung túng trong quân lữ mà được đưa vào triều đình thì đức hạnh của dân chúng sẽ bị bỏ phế. Những kẻ được dung túng ở triều đình mà được đưa vào quân lữ thì quân dân sẽ trở nên yếu đuối.
-Bề trên quý trọng kẻ sĩ không khoe công, kẻ sĩ không khoe công là vật báu của bề trên. Nếu không khoe công thì chẳng tham cầu, không tham cầu thì chẳng tranh giành: Việc nghe thấy của triều đình ắt là đúng thực tình, việc nghe thấy của quân lữ ắt là thích nghi, nhờ đó mà tài và nghề chẳng che giấu nhau.
-Kẻ có công lớn mà không được thưởng thì trên và dưới đều chẳng khoe tài.
-Xét phạt các tội nhỏ, rồi giết những kẻ phạm tội nhỏ hơn là những kẻ phạm tội lớn.
[...]
Sách này quá xưa, lời văn rất khó hiểu, dịch giả là kẻ chỉ biết xem văn tự mà không thông hiểu binh lược, vả lại sức học có giới hạn, nên việc phiên dịch ắt không thể tránh khỏi sai lầm. Vậy dịch giả xin tạ tội với người xưa và với toàn thể độc giả.
Lê Xuân Mai kính đề
Trích Lời nói đầu