Trang chủ Ấn phẩm Sử Học Văn học Việt Nam thời Lý

Văn học Việt Nam thời Lý

Tác giả Lê Văn Siêu

Kích thước 14.5 x 20 cm

Số trang 150 trang

Năm xuất bản 1957

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Hướng Dương
Đơn giá

[...]
Quả thực thì trong dòng dài lịch sử văn học Việt Nam, chỉ có thời Lý tinh thần đạo lý mới thấm nhuần văn chương và nghệ thuật để tạo thành một tính chất đặc biệt của một thời mà muôn đời về sau, khi nhắc đến người ta còn phải thấy tiếc nhớ.
Người ta thường quan niệm trong ý thức là tác phẩm nghệ thuật phải chứa đựng tình cảm, phải rung động trái tim và cái gì không chứa tình cảm không rung động trái tim chỉ thuộc về lý trí, nguồn gốc của luân lý và lý luận. Nhưng sự thực, đời sống tinh thần của người ta có ba phần: Tình cảm, Lý trí, Tâm linh.
Tâm linh là cái gì tổng hợp và vượt trên tình cảm và lý trí.
Nghệ thuật siêu hình và thần bí đã thoát sinh từ tâm linh.
Chỉ lấy tâm linh mới thông cảm được nghệ thuật ấy. Người sống bằng lý trí khô khan không thể nào đạt mức thông cảm ấy. Mà những người mờ mắt vì dục vọng lại càng không thể nào đạt được.
Văn chương thời Lý là văn chương của tâm linh, văn chương thời Lê, Nguyễn trở lại đây, là văn chương của tình cảm. Còn lý trí thì vẫn đóng vai trò phụ thuộc ở cả hai thời đại.
Văn chương tâm linh đã kết tinh trong văn thơ của những đạo sĩ. Văn chương tình cảm đã kết tinh ở những tác phẩm như Cung Oán Ngâm Khúc, Đoạn Trường Tân Thanh. Còn văn chương lý trí đã kết tinh ở những bài thơ ái quốc của Lý Thường Kiệt đời Lý, Trần Quang Khải đời Trần, những bài thơ dạy đời của Nguyễn Trãi đời Lê, những bài thơ nói đến chí làm trai của Nguyễn Công Trứ đời Nguyễn và những bài thơ tranh đấu ở đời này.
Văn chương tâm linh có rung động nhưng những rung động đó tế nhị, sâu thẳm, chỉ những người có một trình độ siêu hình học rất cao hay một căn cốt siêu hình rất tốt mới thông cảm nổi.
Người của thời Lê đã xa văn chương tâm linh. Người của thế kỷ XX này lại càng xa hơn nữa.
Bởi sách vở cũng như cái quán trọ Y-pha-nho, người ta chỉ tìm thấy cái gì tự người ta mang đến, và chỉ hiểu được sách khi nào người ta trông thấy ở đấy cái tâm trạng của chính mình người ta.
Con người của thế kỷ XX, sau những thế kỷ được nuôi dưỡng trong văn chương tình cảm thời Lê, Nguyễn, lại qua một thời mà tâm hồn bị khuấy động bởi đời sống cơ khí, bởi những việc khủng hoảng lớn lao trên toàn thế giới, thì tâm hồn sao cho tĩnh lại mà lắng xuống để cảm thông nổi với văn chương thời Lý xưa.
[...]

Trích từ chương "ĐỂ NHẬN ĐỊNH RÕ GIÁ TRỊ NỀN VĂN HỌC THỜI LÝ" của tác giả.