Đôi nét về giấy dó

Đôi nét về giấy dó

Cây dó cũng như cây dướng là những loại cây sinh trưởng tự nhiên ở rừng. Cây dó có vỏ thích hợp cho làm giấy gọi là cây dó giấy. Còn có loại cây dó khác là cây dó trầm, sinh trưởng nhiều ở các tỉnh miền Trung, vỏ cây này không phù hợp cho làm giấy. Cây dó trầm có khi tạo được trầm hương, là loại hương liệu quý. Cây dó giấy, cây dướng mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc, nhất là Quảng Ninh, Hòa Bình, Yên Bái,… Vỏ hai loại cây này dày, chứa nhiều xơ sợi dài, dai và mảnh. Khi khai thác cây được chặt hạ, bóc lấy vỏ, bó thành từng bó cung cấp cho những người làm giấy.

Giấy dó là loại giấy được làm từ xơ sợi vỏ cây dó, hoặc vỏ cây dướng theo phương pháp thủ công truyền thống, không có tác động hóa chất tạo axit trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy.

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gãy, ẩm nát. Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô và quy trình sản xuất không có độ axit dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.

Giấy dó trước đây thường được dùng để in sách, ghi chép, học hành, thi cử, làm tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hay tranh thờ của nhân dân các dân tộc ít người ở miền núi, làm đồ chơi Trung thu, làm vàng mã, làm pháo, làm hợp chất tạo khuôn đúc đồng, làm quạt giấy, làm vật độn thêu nổi, in tiền giấy, làm bao bì gói hàng, gói đồ, kể cả bao gói thi thể người chết như trường hợp hai vị sư ở chùa Đậu. Cho đến nay, hàng triệu bản sách Hán - Nôm được in khắc gỗ và chép tay, hay hàng vạn bản in giấy dó vẫn đang được lưu giữ ở nhiều thư viện, trung tâm lưu trữ, các cơ quan, tổ chức, đình chùa, đền miếu trên khắp cả nước cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Nghề làm giấy dó đã xuất hiện từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo một số nguồn thông tin, việc làm giấy dó xuất hiện từ thời Bắc thuộc. Là nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi danh ở đất Thăng Long nên tiếng chày giã dó đã trở thành nét đặc trưng của đất Kinh kỳ, đi vào ca dao và ngấm vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt.

Đến nay, nghề làm giấy dó đã bị mai một, nhưng nhờ ưu điểm nổi bật, giấy dó thực sự mang trên mình sứ mệnh gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử. Chúng ta cần giữ gìn để những giá trị truyền thống dân tộc được lưu giữ và phát huy.

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

(ca dao)

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn.

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiấy dó vùng Bưởi - dấu xưa còn lại
Bài viết trướcCác loại giấy cổ truyền ở Việt Nam

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài