Lạc lối để "Đi vào cõi thơ"

Lạc lối để

Đi vào cõi thơ - Bùi Giáng
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả.
Ảnh: Min

Đã bao lần bạn tự cho mình cơ hội để “lạc lối”, để vong ngã, vong thân, để đi theo tiếng gọi phiêu linh trầm hùng tỏa ra từ cội sống? Chắc hẳn hiếm hoi, vì cuộc sống này như một dòng chảy vội vã còn bạn thì vô cùng nhỏ bé và e ngại “ngược dòng”. Những con cá hồi ở bắc Đại Tây Dương hay ven Thái Bình Dương có tập tính rất hay: chúng sinh ra ở vùng nước ngọt, sau đó di cư ra biển và sau nữa, chúng về lại chính nơi mình được sinh ra để…khai nhụy. Chính ký ức khứu giác đã khiến chúng làm được điều đó. Nếu muốn ngược dòng về cội, hẳn cũng như con cá hồi kiên cường kia, bạn cần có một loại ký ức. Một thứ ký ức đủ mạnh mẽ để khơi gợi nội tâm sâu thẳm của bạn, đủ kỳ diệu để khiến bạn rũ bỏ những trầm tích định kiến và đủ huyền bí để bạn biết mình “lạc” nhưng có “lối”. Cuốn Đi vào cõi thơ của Bùi Giáng là một loại ký ức như thế.

Đi vào cõi thơ - Bùi Giáng
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả.
Ảnh: Min

Bằng một cảm quan tương chiếu thi ca tuyệt vời, Bùi Giáng đã cho thấy mối liên kết sâu sắc từ bản nguyên uyên áo giữa các người thơ – những người ông xem là tri âm, những người ông muốn dự hội “đạp thanh” cùng. Một ngày nào đó, con người, với những bước tiến về kỹ thuật sẽ chạm đến vũ trụ mênh mông ngoài kia. Nhưng có những thứ, chưa bao giờ nằm ngoài ta, vậy mà ta không hề chạm đến được. Những nhà minh triết và những thi sĩ biết được bí mật ngược ngạo đó. Và đương nhiên, Bùi Giáng là một trong số ít những người như vậy. Bạn hẳn nhiên, nếu cho mình là quá duy lý hay hiện đại hay là kiểu gì cũng được, sẽ choáng váng ngay khi vừa giở những trang đầu tiên của cuốn sách hay chuyên khảo hay loại gì cũng đành này. Cái cách nói của Bùi Giáng, cũng như cách ông than thở, giễu nhại, đồng cảm vô cùng tùy hứng, cơ hồ như ông đang đối thoại, đối ẩm với bạn qua từng trang sách. Và kỳ lạ hơn là, cái dáng ông ngồi có thể là “ngất ngưởng”, đăm chiêu, khoa chân múa tay và mái tóc thì xuề xòa nhưng tận sâu đáy mắt, ánh lên niềm vui thích về cuộc sống kỳ bí, trăn trở về thế thái lằng nhằng hiện tại và truyền tải một sự thật cực kỳ u uẩn mà khi đi gần hết vòng đời, bạn chưa chắc đã nhận ra.

Vì sao bạn thấy ông lạ lùng với kiểu nói chuyện ngắc ngứ đó? Vì sao bạn không đủ kiên nhẫn để đi vào cõi thơ? Bởi vì những nhà minh triết và nhà thơ, đôi mắt họ không nhìn ra bên ngoài để đem lại cho bạn sự thỏa mãn về tri thức hay đại loại là cái gì đó tương tự để bạn đắp lên người. Họ nhìn vào bên trong, chính là con mắt “nhìn thấu sáu cõi”. Họ thấy gì? Họ thấy bản thể uyên nguyên từ xa xưa đang vẫy gọi, họ thấy được những vòng tròn suy tưởng luẩn quẩn cứ lặp lại mải miết trong những dòng kiếp. Khi họ thấy được sự tình vi diệu đó, một là sẽ “đau đớn thay phận” trong niềm kinh khoái “Trăm năm trong cõi người ta”, hai là buông “Trường khiếu nhất thanh” khiến “hàn thái hư”. Thế nên, cái họ thấy được, không phải là cái chúng ta thấy được. Do đó, ta phê phán họ, chỉ trích họ, cho họ là gàn dở. Còn họ, như đã nói, vì đã nhìn thấu nên không phản bác ta, trái lại “Dục biện dĩ vong ngôn” (Muốn nói ra mà quên lời mất tiêu rồi!).


Đi vào cõi thơ - Bùi Giáng
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả.
Ảnh: Min

Nếu như đã hiểu lòng thi sĩ, bạn cứ tự nhiên thăm thú cõi thơ xứ hồn của họ. Mối tương giao Đông Tây đã giăng mắc, kết nối những gương mặt thơ lạ lùng, anh tú và khiến bạn nhận ra, hẳn trong một tiền kiếp nào đó, họ quả cùng một hội – hội đoạn trường. Bạn sẽ chiêm ngưỡng một vở kịch diễn ra ở thế kỷ 19, mà trong đó cái gã tên thời đại kỹ trị và tôn thờ kim tiền đã bức bách những nàng thơ Phục hưng Âu châu ra khỏi tâm thức. Nhưng bạn sẽ lấy lại niềm hứng khởi ngay với một Walt Whitman đang nghêu ngao “I celebrate myself, and sing myself” (Tôi ca tụng mình, tôi hát về mình) và phiêu lãng trong những chuyến đi kết nối giữa đời sống và thần linh; một Emily Dickinson trầm lặng và tinh tế, độc đáo và đôn hậu, một “nữ nhân hoa” giữa lòng nước Mỹ - “And I’m a Rose”; một Dylan Thomas lãng tử và nồng nhiệt của xứ Wales, vẫn còn đang chếnh choáng đầy hào hứng giữa bữa tiệc rượu của hiện tại và của hết mình; và xin hãy dời gót qua vùng đông bắc nước Pháp, nơi đã sản sinh ra hai thứ kỳ diệu: rượu cognac với hương thơm mê ly và thiên tài bạc mệnh Arthur Rimbaud – vị chủ soái nhạy cảm với sự sáng tạo dị thường của trường phái thơ tượng trưng; và sau đó, bạn dừng chân tư lự bên bờ hồ tư tưởng phiêu linh lãng đãng đầy ý vị sâu xa về nhị nguyên của Paul Éluard…

Và khi những chuyến viễn du ở phương Tây nhắc bạn phải trở về xứ sở, thì đây, Bùi Giáng đã chờ sẵn, vẽ những cung đường tư tưởng dẫn đến quê hương thi ca nhiệm màu với những gương mặt thuộc về “muôn năm cũ”. Một Nguyễn Du đầy mâu thuẫn giữa “đan tâm” (tấm lòng son) và “Nhãn để phù vân khan thế sự” (Nhìn việc đời như mây nổi trôi qua đáy mắt). Bùi Giáng luôn đồng điệu với Tố Như và hiểu thấu được bản lĩnh vô ngôn của Thanh Hiên. Điều này lặp lại trong những cuốn sách của ông như một vô thức của “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Rồi gần hơn là một Tuệ Sỹ với Phật học uyên áo và làm thơ thì thâm u, khiêm nhường để thơ trống vắng một cách phóng nhiệm. Một Huy Cận mang trong mình “phusis” (tự nhiên) cổ xưa với những chuyến lữ thứ mang tâm tưởng Bồ Tát. Một Xuân Diệu khác, rất khác “Gửi hương cho gió” qua những “nếp gấp thi ca”. Một Quang Dũng phong trần và tiêu sái, thổi những thương đau của thời đại trôi vèo trong cõi miên mờ giữa “Mắt người Sơn Tây”,…Và bạn chẳng thể nào tìm ở đâu đó khác những lời tâm tình được chiết xuất từ một con người dũng mãnh dấn thân trải nghiệm mang tinh thần Hoa Nghiêm như Bùi Giáng về những thi sĩ mà không phải ai cũng từng nghe qua như Trần Cũ Một, Thanh Tâm Tuyền, J.Leiba (Lê Văn Bái), Nhượng Tống, Thùy Dương Tử,…

Hãy dành cho cuộc lữ hành này sự kiên nhẫn. Bùi Giáng đã nói về những người công kích thơ một cách bừa bãi là do họ lâm vào tình trạng “có đăng đường nhưng chưa nhập thất”. Còn thi sĩ chân chính, họ đã “nhập thất” sẵn rồi thì bận tâm gì với chuyện “đăng đường”? Do vậy, cho rằng bạn lạc lối, “ngược dòng” chẳng qua là cách nhìn của những người còn lấn cấn chuyện “đăng đường”.

BẢO ANH

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài