Dương án
Vương Thái Bộc nói "Người thầy thuốc không cho việc chữa bệnh là khó mà cho việc chữa bệnh nguy hiểm mới là khó". Cho nên người thầy thuốc có trách nhiệm nắm giữ sinh mạng con người, không kể gì đường sá xa xôi, không ngại gì gió mưa đêm tối, khi gặp bệnh ngặt nghèo đã mời là đi, đã đến là chữa. Nếu gặp bệnh khó mà chối từ thì làm thầy thuốc làm gì! Tôi vốn là nhà Nho, lúc còn nhỏ gặp thời loạn lạc, lánh gót giang hồ, nhờ nơi Hương Sơn để phụng dưỡng từ mẫu, không ngờ mây nước mảng vui, rượu đàn quen thói, đường công danh hiểm trở, dứt chí bôn ba, lại càng ham học về nghề thuốc. Trong thì giờ nhàn rỗi không tiếc công phu nghiên cứu, bén mùi y học lại càng thấy say sưa, mới bắt tay chữa bệnh. Trước chữa cho người nhà, rồi sau chữa đến người ngoài, đã được nhiều phen kinh ghiệm, mới bạo dạn ra đi chữa bệnh cứu người. Trong một năm chữa khỏi hàng ngàn bệnh, không lấy gì làm khó. Chỉ có một vài bệnh thấy khó khỏi cũng phải tìm hết ra ngoài khuôn phép rồi cũng chữa nổi, nhân đó chép thành nghiệm án. Tốn bao giấy bút, không biết rằng tự sức mình suy nghĩ được mà thành công chăng? Tôi vẫn không dám đem ý kiến của mình mà khoe mẫu mực với ai, chỉ cốt là ghi lại sự hết lòng với nghề như thế để lưu lại làm một cuốn tập nghiệm cho mình và cho nhà mình đó thôi.
Âm án
Nghề thuốc là nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ cứu được một mạng thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình, mà dám đem sự thực nói với người khác!
Riêng tôi, có thể nói là thoát khỏi cái lệ đó chăng? Chỉ vì tôi thất bại về đường khoa cử, không nối được nghiệp nhà, xoay ra làm thuốc. Phải nghĩ hết sức, làm những việc nên làm may ra cúi không thẹn với đất, ngửa không thẹn với trời, dám đâu e ngại chê khen để phải hối hận với nhiệm vụ. Tôi khi còn trẻ tuổi, bỏ nghiệp Nho, theo nghề y, hơn 10 năm đèn sách nghiên cứu miệt mài trau dồi nghề nghiệp luôn luôn chỉ nghĩ một lòng làm phúc giúp người. Đối với người giàu sang không bị động vì lợi nhuận, đối với người nghèo hèn cũng không dám coi thường sự sống chết.
Thường nghĩ rằng thầy thuốc là kẻ bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình, đâu có thể trí không thông hoạt, hành không ngay thẳng, tâm không chu đáo, đởm không bạo dạn mà dám làm được như vậy? Trong khi chữa bệnh, đã nhiều phen xoay dữ làm lành, cứu chết ra sống biết bao nhiêu người, mà bó tay đợi chết cũng không phải là ít. Có người nói: "Một miếng cơm, một hớp nước đều do số phận định trước". "Chỉ chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh". Tôi cho rằng không phải thế, phúc họa là sự báo ứng huyền bí xa xôi, chứ chết mất là sự đau thương trước mắt. Phàm gặp những chứng không thể chữa được tuyệt đối không vì chứng không chữa được mà tìm cách chối từ, mà chỉ lấy sự thực bảo với người bệnh, rồi bóp bụng lo nghĩ, chạy chữa thuốc thang, tìm cái sống ở trong chỗ chết, hết sức cứu vãn cho đến khi nào âm dương thực hết mới thôi. Tôi thường bảo mọi người rằng: "Phàm trông thấy chứng nguy mà chịu phủi tay, đó là những bọn mua danh tránh tiếng. Người ta sợ chết mà phải xin thầy xin thuốc. Thầy thấy chứng chết mà không chữa thì làm thuốc để làm gì?". Vả lại y lý mênh mông, nếu không phải người nghiên cứu sâu xa thì không thể làm được, chỉ lo rằng giỏi hay không giỏi thế nào thôi.
Tôi không tự thẹn là chữa sống người còn kém, nên ngoài tập Dương án (những bệnh án chữa khỏi) ra còn chép thêm một quyển nữa về những lời khó nói ra gọi là Âm án (những bệnh án tử vong). Mong các bậc trí thức đời sau có nhiệt tình với ngành nghề, thấy những chỗ hay của tôi tuy không đủ bắt chước, nhưng những chỗ dở của tôi cũng đáng làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo là "Chỉ chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh". Đó cũng là cái may cho nghề làm thuốc.
Trích Tiểu dẫn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác