Khóa hư lục

Tác giả Trần Thái Tôn

Dịch và chú giải Đào Duy Anh

Kích thước 13x18.5 cm

Số trang 246 trang

Năm xuất bản 1974

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội
Đơn giá

TỰA

Ngày rằm cuối thu năm Canh tý, việc quan rỗi, nhân sang chơi chùa Đại Giác làng Bồ-sơn huyện Tiên-du, họp tăng thuyết giới và cầu phép, bấy giờ có thầy tăng Thanh-hương chùa Miêu nha huyện Võ giàng bưng ra một tập Khóa hư lục 3 quyển xin tôi đề tựa. Tôi từ chối lấy cớ là pháp gia chưa tinh, đạo gia cũng chưa rõ, nội trong ba bậc kinh điển, năm phái sớ luận, vốn ít được xem, sao dám tự dối mà viết càn để mua cười với người thiện tri thức! Thầy tăng hai ba lần cố nài, tôi bất đắc dĩ phải cầm sách đem về mở ra xem.
Sách này là do Thái tôn hoàng đế triều Trần ngự chế. Thực là cho rằng người đời từ bao nhiêu kiếp đến nay đã mất bản tâm, chẳng biết chính đạo, sa vào cái khổ ba đường, chỉ là bởi cái bậy sáu căn, nếu chẳng ăn năn tội trước, khôn mong thành chứng quả sau.
Lục này làm, trước bày ra bốn núi của người, sánh với bốn mùa của trời, để thí dụ bốn tiết sinh già bệnh chết là thế tất nhiên, cũng như bốn bước sinh ra, lớn lên, thu lại, náu đi, đắp đổi thay nhau, không lúc nào hết. Vô luận người xuất thế hay người tại thế, đều phải siêng năng tu hành sám hối. Lòng nên hư không, mà thì giờ không thể hư không, công khóa tu hành cũng không thể một khắc hư không vậy. Cho nên định làm đêm ngày sáu buổi, đầu lấy văn chúc hương, văn khải thỉnh; thứ lấy văn sám hối, văn khuyến thỉnh; ba lấy văn hồi hướng, văn phát nguyện, từ hôm đến sớm, do ngày vào đêm, thường thường sáu niềm gắn bó, kêu xin đức Từ tôn ân cần thương giúp, như vua Hạ Vũ lòng tiếc tấc bóng, không chút để hở vậy. Văn gọn mà lý rất rõ, việc ít mà công dễ nên, cũng có thể nhân đó mà ngăn lòng vượn, phòng ý ngựa, vượt bể khổ, qua bến mê. Tuy rằng giác ngộ viên thông chưa hẳn ví được với tác phẩm của các vị cổ đức đời trước, nhưng làm bậc thang để lên ngôi Thập địa, làm đường tắt để ra khỏi bốn núi, thì chưa có thể thiếu lục này được.
Kể vua là vua lớn thời Trần, thế mà có thể mình ở ngôi báu, lòng thuộc ba tôn, bỏ cổn miện mà mặc cà sa, lìa ngai vàng mà ngồi chiếu cỏ, chẳng những một thời làm chùa dựng tháp, cúng Phật độ tăng, để cứu vớt nhân dân ra khỏi bể khổ mà thôi, lại còn tự mình một niềm gắn bó tu hành, họp những bài sám hối và bài kệ làm một lục đặt tên là Khóa hư để bảo lại người sau một ít. Có thể nói là trời hiền - một người để răn mọi kẻ ngu, trời giàu - một người để răn mọi kẻ nghèo.
Vua là Phật sống ở đời chăng? hoặc là bồ tát tái thế chăng? Ta kính đọc văn ấy mà ngầm tìm lòng ấy, bỗng nhiên như tìm được, bèn chẳng nề nông cạn quê mùa, chắp tay bày lời mà viết ở mặt sách, chứ làm tựa thì có dám đâu.

Hoàng triều Minh-mệnh muôn năm, vào năm Canh tý, ngày vui mừng hạ tuần tháng cuối thu. Vãn sinh chịu bát quan trai giới, Tuần phủ hộ lý Ninh-Thái tổng đốc, pháp danh là Đại-phương, Nguyễn Thận Hiên xông gội kính tựa.