“Thi thơ là một công tác văn hóa, thời nào cũng có giá trị riêng. Nhưng điều quan trọng là cái khuynh hướng của nó. Thi thơ mà phụng sự trụy lạc, thi thơ mà ca ngợi gian tà, thi thơ ấy đáng bài xích đả đảo, không nên khuyến khích trau dồi.
Trong quyển Thi Pháp chúng tôi không trình, mà cũng không thể trình cho độc giả thấy cái khuynh hướng riêng của chúng tôi và cũng không làm sao hạn định cái công dụng cao cả của thi thơ; thi thơ cũng như các ngành văn hóa khác, là một nghệ thuật do người sử dụng.
Thi thơ có công dụng gì ngay trong thời nầy và ngày cận lai, ngày mới của một nước Việt mới?
Nếu nhận rằng văn chương tổng quát cần có ích cho công việc kiến thiết tinh thần và văn hóa, thì phải nhận luôn rằng thi thơ cũng không phải vô bổ, vì thi thơ là một phần, phần cao siêu của văn chương. Đành rằng cái học mới sẽ nhờ văn xuôi diễn đạt thông truyền và thi thơ không bao giờ ứng dụng được vào số học, khoa học,...
Không kể đến công dụng hiệu quả của thi thơ trong công việc tuyên truyền tư tưởng (ca dao, vè, vãn,...) chúng ta phải nhớ rằng khoa học Việt ngữ vẫn gồm cả cái văn học vần, vì tất cả văn chương ta ngày trước đều là thi thơ, từ phú.
Muốn học văn chương ta, lẽ cố nhiên là phải học qua phép tắc, niêm luật các lối thi phú, đó là một điều thiết yếu để hiểu Việt văn. Mà biết qua thi pháp cũng là một điều lợi cho việc hành văn nữa, dẫu là viết văn xuôi. Vì âm điệu và luật niêm bình trắc ở trong văn vần vẫn giúp nhiều cho câu văn xuôi được cân đối, quân bình, điêu luyện.
Chúng tôi không dám ước ao cho những người học trò tiếng Việt đều sẽ thành thi sĩ; chúng tôi chỉ mong rằng quyển Thi pháp có thể giúp cho người học tiếng Việt một vài phần đặng yêu quý tiếng mẹ đẻ, đặng tuyên truyền cho tiếng mẹ đẻ.”
Trích Tựa