Trang chủ Ấn phẩm Thư Viện Ảnh Ấn Thực trị bản thảo

Thực trị bản thảo

Soạn giả Lê Văn Tịnh

Kích thước 16 x 23 cm

Số trang 260 trang

Năm xuất bản

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Nam Cường thư xã
Đơn giá

Quyển sách này làm ra, cốt muốn cho phổ thông quần chúng, và ai cũng có thể đọc hiểu được, làm theo được, nên lấy lời rẻ dể, không cầu kỳ, danh từ so với sách khác nghe có hơi thô. Có khi bỏ danh từ, chỉ nói trạng chứng của bịnh, đặng cho người coi dễ hiểu, nhận được thì thôi.
Muốn cho mỗi người tự kiếm thuốc trong món ăn, để tự chữa bịnh mình, đã rẻ dể, lại ngon lành mà không phải đắng hôi như thang thuốc. Phép này cổ nhân Đông phương đã có lập ra khoa "thực y" hay là "ẩm thực học", ngày nay Âu Mỹ cũng phải công nhận, cho là một món trị bịnh giản dị, hợp lẽ thiên nhiên.
Tuy nói rằng: "bản thảo món ăn" những cũng có đôi khi sắp 1, 2 món không thể ăn vào. Vì món ấy "nếu ăn cũng được" mà có "di hại", mà lại có công dụng trị bịnh, và cũng sợ người ăn lầm.
Sách này chỉ nói tánh chất công dụng của món ăn, đặng mỗi người đều biết. Nhận rõ sự hiệu nghiệm, hạp, cữ, phản, khắc của nó. Không để mơ hồ như trước: "may nhờ" món ăn này, "bị rủi" món ăn kia... còn phép nấu ăn, thì đã có sách khác dạy.
Trong sách này có chỗ nói cấm, kỵ, phản, khắc, không nên ăn, ăn không tốt... nhưng có đôi khi thấy trong món ăn người ta vẫn dùng chung nhau. Mà không thấy nguy hại cho lắm, là tại làm sao? - Lẽ tất nhiên: món ăn nào không phải là món đại kỵ đại phản, thì không phải ăn vô chết liền bao giờ... sự di hại nếu trì hoãn, thì sự di độc tất triền miên trầm trệ lâu giải được! Cổ nhân đã truyền trải kinh nghiệm lâu đời, mới để lại đến bây giờ.
Sách này chịu thiếu với độc giả chưa có hình vẽ, trạng thái, chỗ sản xuất của phẩm vật kịp. Và cũng nghĩ rằng: những món đã sắp vào đây, ai cũng đã dư hiểu rồi. Vì là món ăn hằng ngày... và còn thiếu sót nhiều lắm! vì sự sưu tập của một người mới lần đầu khó được hoàn toàn, mà không dễ gì làm được hoàn toàn...! bởi vì thổ âm chẳng đồng, cũng một vật mà chỗ này kêu A, chỗ kia kêu B, hoặc vật ấy chỉ riêng có một xứ, hoặc chỉ biết tên mà chưa biết tánh..., cũng không dám biên vào.
Về khoản phân chất, vì danh từ hóa học ở xứ ta chưa có tên thành ngữ, khó dịch cho hết nghĩa được, nên tên nào dịch được là lấy theo phần đông của người đã tạm dịch, còn tên nào chưa thể dịch được thì để nguyên danh, cốt ý muốn người nhận biết trong thức mình ăn ấy vốn có chất tròng trắng trứng, có lân linh, có sắt, có mỡ, có đường, v.v. để chứng những chất ấy ứng dụng vào cơ thể sẽ có ích như thế ấy... và cũng để phụ lần vào chỗ học thiếu phân tích của người mình.
Sách này không giữ bản quyền, nhưng ai muốn in lại, hoặc thêm, bớt, chỉ trích, trích lục điều chi... xin phải thương lượng lại với soạn giả, để rộng sự sưu tầm nghiên cứu, kinh nghiệm thêm cho xác thực, để sau này người dùng không sai lầm, và mỗi nơi ai biết món ăn nào hàng ngày ăn bổ ích, hoặc di hại, và trị được bịnh, xin nghiên cứu, và ghi chép vô, đặng sau này cùng với tôi, hoặc giúp tôi, biên soạn lại làm một bộ "Thực trị bản thảo" có hình vẽ, trạng thái, tánh chất, công dụng, phân chất, hạp, cữ, trị bịnh, cho thật hoàn toàn, thì tôi rất vui lòng, và cảm ơn nhiều... còn chỗ sai lầm trong sách này, thì tôi đã sửa lòng mong nhờ chỉ dạy.
Tài liệu biên soạn sách này rất ít, ai biết thêm, xin vui lòng chỉ dùm, để sau này cùng nhau làm tài liệu tham khảo, phần tôi chỉ lấy được mấy quyển: Thực vật bản thảo, Cổ kim thực trị, Thực kinh thông thuyết, Nhật dụng bản thảo, Sanh dược bản thảo, Thực y tâm cảnh, và các Dược tánh bản thảo. Và cũng trích lấy trong ít quyển bản thảo Tây làm phụ, còn tài liệu chánh thì có: Thực vật bản thảo bi khảo. Trung Quốc dược vật học đại từ điển, tra tên tục thì có trích lấy trong Lãnh Nam bản thảo... nên món nào tra tên đích xác được, thì có viết chữ ta, chữ Tàu, chữ Tây. Hoặc chữ ta, chữ Tàu, còn món nào chỉ kêu tên tục, là món đồ đó do sự kinh nghiệm của nhiều người hoặc là món đó không có trong bản thảo Tây Tàu, hoặc giả đã có, mà tôi chưa biết được...?
Nghĩ vì: người xưa cũng do sự kinh nghiệm mà làm ra, nên tôi cũng học đòi theo.
 

Trích Lệ sách
Soạn giả