"Triết của Kant vẫn ảnh hưởng một cách sâu xa vào các trào lưu tư tưởng hiện đại. Heidegger đã tự xưng là môn đệ Kant và tự cho mình cái danh khai thác những nguồn phong phú còn tàng ẩn trong triết học Kant (HEIDEGGER, Kant et le problème de la métaphysique, bản dịch Pháp văn, Gallimard 1953, trang 57 và 255-257). Gần đây những người thủ xướng thuyết Cơ cấu như Claude Lévi - Strauss và Michel Foucault cũng hết sức đề cao Kant. Lévi - Strauss tự nhận là một “chủ nghĩa Kant không chủ thể siêu nghiệm” (Kantisme sans sujet transcendantal), bởi vì Lévi - Strauss giống Kant ở chỗ đào bới những và cơ cấu của thực tai, nhưng khác Kant ở chỗ không đặt những nền tảng này nơi chủ thể siêu nghiệm như Kant, mà lại đặt nơi môi trường thiên nhiên (Coi Cl.LEVI-STRAUSS, Le cru et le cuit, Plon 1964, trang 19). Còn Foucault thì nhận rằng thuyết phê bình của Kant là “cửa mở vào thời đại ta”, và mặc dầu ông buộc tội Kant đã để triết học “ngủ giấc ngủ của khoa Nhân học sau khi lay tỉnh nó khỏi giấc ngủ của thuyết Giáo điều”, ông cũng phải nhận rằng “tư tưởng về hữu hạn tính mà thuyết phê bình của Kant đã coi là phần việc của triết học, thì nay vẫn là lãnh vực suy tưởng của chúng ta” (M. FOUCAULT, Les mots et les choses, Gallimard 1966, trang 255, 352 và 396). Nhưng Kant đã làm thầy cho Heidegger về nội dung, và làm thầy cho Lévi - Strauss về phương pháp: quan niệm sinh hoạt đạo đức của Kant đã giúp Heidegger xây dựng triết học Hiện sinh, và phương pháp hình thức của Kant thì giúp ta hiểu phương pháp phân tích cơ cấu của Lévi - Strauss và các thuyết Cơ cấu nói chung."
[...]
Trích Nhập đề
Trần Thái Đỉnh