Chiến tranh là một hiện tượng phổ biến và ngày càng ảnh hưởng nặng nề vào diễn tiến nhân loại, nên từ cổ chí kim, con người đã bận tâm nhiều để suy ngẫm về chiến tranh, về bản chất và nguyên nhân của nó. Cuốn sách này không nhằm lên án hoặc ca tụng chiến tranh, không nhằm khơi đào bản chất và nguyên nhân của nó mà chỉ muốn trình bày những sự kiện diễn biến, những luật tắc khái quát về chiến lược, chiến thuật trong các thứ chiến tranh qua các thời đại, nhưng thiết tưởng cũng nên nói qua về bản chất và nguyên nhân. Vì những ý niệm của người về chiến tranh vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ vào những yếu tố tinh thần vật chất của của chiến tranh, và do đó vẫn quy định một phần chiến lược và chiến thuật...Thực ra, từ cổ tới nay, các nền tôn giáo, các thánh kinh, các triết học, các thuyết xã hội vẫn trình bày hoặc đề xướng những ý kiến về chiến tranh.
Những cuốn thánh kinh coi việc chiến tranh ngoài trận địa như một điều kiện tất yếu của người tông đồ muốn lên thiên đường hoặc coi việc chiến trận như một nhiệm vụ thiêng liêng vì cho rằng chiến tranh của con người chỉ là sự chiếu rọi vào nhân gian những trận chiến giữa các thần thánh. Cũng có những nền tôn giáo khác lại coi chiến tranh như một tội trọng, trừ khi nào chiến tranh cần thiết cho sự cho sự duy trì hoặc hoằng dương nền tôn giáo đó.
Theo Clausewitz từng định nghĩa: Chiến tranh là một tác động bạo lực nhằm mục đích bắt buộc đối phương phải thi hành ý chí của mình". Đó là một định nghĩa xác đáng nhưng sơ lược và chưa đầy đủ. Chúng ta có thể định nghĩa chiến tranh như một biện pháp tác động tập thể có tổ chức, sử dụng cả bạo lực lẫn qui trá, xảy ra giữa hai đối phương không có sự so le tuyệt đối về lực lượng và võ khí và bên nào cũng nhằm mục tiêu muốn buộc kẻ thù địch phải thi hành ý chí của mình.
Mục đích của sách này là tìm hiểu về chiến tranh, nhất là tìm hiểu về sự tiến triển của chiến lược chiến thuật qua các thời đại. Vậy thế nào là chiến lược và chiến thuật?. Chiến thuật tức là quan niệm của nhà tướng về sự sử dụng các lực lượng trong một trận đánh hoặc một cuộc giao tranh. Còn chiến lược là quan niệm về sự sử dụng tất cả những trận đánh đó để đạt tới mục tiêu tối hậu của chiến tranh.
Việc nghiên cứu những phương thức chỉ đạo chiến tranh là một điều rất khó khăn. Vì chiến thuật của chiến tranh thường hay thay đổi và cả đến chiến lược cũng đôi khi phải thay đổi. Thay đổi tùy theo phẩm chất của quân đội, võ khí phát minh, tùy theo thời tiết hoặc chiến trường tùy theo những yếu tố của địch quân hoặc kế hoạch dự liệu của chúng. Chiến lược đôi khi cũng phải thay đổi theo hình thái chiến tranh.
Việc kê cứu trong bộ sách này sẽ tuân theo phương pháp lịch sử, không có cao vọng tạo lập một binh thuyết vĩnh cửu vì đó là một vấn đề có lẽ là bất khả thực hiện. Nó chỉ nhằm trình bày sự diễn tiến của chiến lược, chiến thuật qua các thời đại, các cách thức đánh nhau, các binh thuyết, các hình thái chiến tranh cùng tính chất độc đáo của mỗi thứ. Người đọc sẽ tìm thấy ở trong đó ít nhiều sự kiện, ít nhiều ý kiến, để tham bác và tạo lập cho mình một ý niệm về binh thuyết mà thôi... Để hoàn thành trách vụ đó, bộ sách này sẽ được chia làm 4 phần:
- Phần thứ nhất: sự diến tiến của chiến lược chiến thuật qua các thời đại của lịch sử Tây phương.
- Phần thứ hai: sự diễn tiến của chiến lược chiến thuật qua các thời đại chính của Đông phương, từ binh thuyết Tôn võ tử đến binh thuyết Mao Trạch Đông và chiến tranh ý thức hệ.
- Phần thứ ba: hình thái chiến tranh, chiến lược chiến thuật.
- Phần thứ tư: sẽ bàn về những trận chiến tương lai, nguyên tử hay không nguyên tử - chiến tranh giới hạn hay chiến tranh nguyên tử? Vai trò của người bộ binh trong chiến cuộc tương lai...
(Trích dẫn trong phần MỞ ĐẦU của sách Từ binh pháp Tôn ngô đến chiến lược nguyên tử - quyển thượng)