Hải Thượng Lãn Ông và Y tôn tâm lĩnh

Hải Thượng Lãn Ông và Y tôn tâm lĩnh

Nhắc đến y dược Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến Thiền sư đời Trần – đại danh y Tuệ Tĩnh - ông Tổ ngành y dược cổ truyền nước ta. Và còn một bậc thầy y đức cũng danh tiếng chẳng thua kém, là lương y Lê Hữu Trác, hay vẫn được người đời biết đến với biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Ông sanh vào thời vua Lê Hiển Tôn, nguyên quán xã Liên Thượng, tỉnh Hải Dương. Sinh ra trong gia đình dòng tộc vốn có truyền thống khoa bảng nên ngay từ nhỏ ông đã miệt mài đèn sách, am tường cả văn chương dịch lý; ông có biệt tài làm thơ lại chuyên tâm về việc làm thuốc.

Ông đến với nghề thuốc cũng là một cái duyên. Sử kể rằng, năm 1746, ông gặp trận ốm nặng, gia đình đưa đi chữa chạy khắp nơi 2 – 3 năm liền không khỏi. Sau có người chỉ cho tìm đến nhà thầy thuốc Trần Độc để chữa trị. Trong khoảng chừng 1 năm ở lại đấy, ông vừa dưỡng bệnh vừa tranh thủ tìm hiểu nghiên cứu nhiều tác phẩm y học của Trung Hoa. Ông đọc đến đâu thấu đến đấy, nắm bắt nhanh lẹ, cái duyên với nghề y cũng bắt đầu bén từ đây. Nhận thấy ông có chí, lại tài năng, nếu được truyền dạy bài bản rất có khả năng trở thành lương y giỏi, thầy Trần Độc liền tận tâm đem hết những hiểu biết của mình về y học mà chỉ lại cho ông.

Về sau, ông vừa tự tìm tòi học tập, nghiên cứu, vừa tận tụy chữa bệnh cứu người với tất cả tấm lòng của một vị lương y chuẩn mực: vừa có tài, vừa có đức. Trong vòng chỉ 10 năm sau đó, tên tuổi của Lê Hữu Trác đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu, người đời vô cùng kính phục. Lúc bấy giờ người ta gọi ông là Hải Thượng Lãn Ông.

Không chỉ chữa bệnh cứu người trước mắt, ông còn mong muốn đem tất cả hiểu biết về y lý của mình truyền lại cho đời sau. Do đó, trong cả cuộc đời của mình, ông đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam, dày công biên soạn, ghi chép lại trong rất nhiều tác phẩm, mà tiêu biểu nhất là bộ Y tôn tâm lĩnh.

Đông y sĩ Hà Ngọc Xuyền trong lời giới thiệu bộ sách do nhà sách Khai Trí in tại Sài Gòn năm 1971 có viết: “Bộ sách Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh là bộ sách thuốc duy nhất do người Việt Nam viết ra. Lê tiên sinh thâu góp mọi cách ngôn ở các sách cổ lại thêm nhiều sáng kiến, chữa bệnh theo vương đạo, hợp với khí hậu nước ta và tạng phủ của đời nay.” Dịch giả Hoàng Văn Hòe viết ở lời tựa bản in này: “…Bộ sách được phân tích kỹ càng, khiến nhà làm thuốc vừa thận trọng vừa quyền biến, cho nên thời Khải Định triều Nguyễn đã sắc phong cho tiên sinh là “Việt Nam y thánh”… Tôi thiết nghĩ bản dịch của bộ Hải Thượng Y tôn này, không những tiện cho các vị nào muốn theo về Đông y dược, ngoài ra, vị nào có thì giờ nhàn rỗi muốn tìm hiểu về y lý Đông phương thời bản dịch này cũng không phải là vô ích.”

Bộ Y tôn tâm lĩnh trước năm 1975 ở nước ta có 2 bản dịch được ấn hành. Bản của nhà sách Khai Trí miền Nam gồm 5 tập với nhan đề Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh của dịch giả Đình Thụ Hoàng Văn Hòe, Hoàng Đình Khoa, không theo thứ tự nguyên bản và dịch khuyết bộ Mộng trung giác đậu (q34-43) và Y phương hải hội (q58). Bản của Nhà xuất bản Y học miền Bắc không đề tên người dịch, in thành từng quyển theo môn loại như nguyên tác Hán Nôm. Ngoài ra, nhà xuất bản Y học còn cho dịch các bản chép tay (chưa được khắc ván và đánh số quyển) được sưu tầm về sau như Nữ công thắng lãm, Vệ sinh yếu quyết.

Thư viện Huệ Quang hiện đã ảnh ấn được gần trọn vẹn 2 bản dịch nói trên. Quý bạn đọc gần xa có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu có thể liên hệ để tham khảo.

Ảnh: Các tựa sách của Hải Thượng Lãn Ông do thư viện Huệ Quang ấn hành.

 

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài