Kỷ niệm 91 năm ngày sinh cố thi sĩ Bùi Giáng
“Không tự mình bước tới bờ hương chín, thì cõi mật không tụ về trong trái”
Martin Heidegger (Bùi Giáng dịch)
Con người từ xưa cho đến nay luôn luôn sống trong sự ám ảnh về chính nó. “Tôi là ai?”. Dù có tự mình thuyết phục được mình hay không về “tự ngã”, về cái “tôi”, về nhân vật “tôi” đang bước đi giữa thênh thang cõi đời này thì người ta vẫn tiếp tục nghi hoặc, truy vấn mỗi khi ý thức có cơ duyên đụng chạm đến chỗ đó (bởi tự gốc rễ, truy vấn về cái tôi là cuộc truy vấn không hồi kết thúc trừ khi, trừ khi …). Nhưng hầu hết con người không có trách nhiệm hay không có khả năng có trách nhiệm đầy đủ đối với mình, cho nên cuộc truy vấn về cái tôi chỉ diễn biến nửa vời, lấp lơ rồi sau đó giao phó sinh mệnh mình cho kẻ khác, cho tha nhân, cam tâm để ý thức làm nô dịch cho sự ước lệ của thói quen, truyền thống, tập tục. Nói cụ thể, là đa phần con người không thực sự sống đời sống của chính mình, mà chỉ bắt chước kẻ khác, không đủ can đảm đi bước siêu nghiệm tồn sinh trong cuộc lữ, mà thản nhiên an tâm đi theo lối mòn. Và do đó đời sống chỉ là một cuộc tồn tại mất lối của một “nô lệ người”, không nếm được mùi vị hoa trái của “mùa màng tháng tư” (1), không dự phần được trong “lễ hội tháng ba” (2).
Một số tựa sách của Bùi Giáng do thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả. Ảnh: Min
Martin Heidegger nói con người sống trong đời sống như một kẻ bị quăng ném vào một nơi vừa là cố hương vừa là chốn đọa đày và sứ mệnh của nó là tìm đường đi ra khỏi chỗ đó.
Con người phải thực hiện sứ mệnh của nó, con người buộc phải sống, giống như một kẻ bị xô đẩy ra giữa sân khấu bị buộc phải nói, phía dưới là vô số thính chúng đang ngồi nhìn lên chờ đợi, lắng nghe. Khi đó người ta bị buộc phải mở lời để lấp đầy cái khoảng thời gian dài ngắn đang tới trong không gian bối cảnh đó. Con người ta sẽ không có đủ nội lực mà phớt lờ đám đông, không thể xô nổi áp lực đám đông đang đè lên mình như thế, và con người trở nên vụng về, lúng túng và bối rối. Và do đó bi kịch diễn ra, đời sống trở nên là một tồn tại thảm hại và bi đát. Chúng ta đã trình hiện một màn không đâu vào đâu, chúng ta đã vô lý sống trọn một đời sống không ra gì, rồi chết không ra sao. Vì chúng ta vẫn mông muội thấy sân khấu là thực, vì chúng ta không thấy có một đời sống thực nào khác sau bức màn sân khấu, chúng ta đã “diễn kịch” đời sống của mình, đã hoang phí thời gian và sinh mệnh mình bắt chước đám đông, đi theo sự rập khuôn ước lệ của thói quen, truyền thống, văn hóa, ý thức…. không sáng tạo.
Sương bình nguyên - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 theo nguyên bản với sự chấp thuận của gia đình tác giả. Ảnh: Min
Chúng ta hãy nhìn Bùi Lão Tiên Sinh mà mục kích một kẻ chịu chơi tới cùng, chẳng e dè đứng trước bàng dân thiên hạ mà đốt áo xé quần, nắm tóc bức tai, sẵn lòng tơi tả mà thênh thang đi vào cuộc điên lộng lẫy của mình. Bởi nhân thế, cuộc đời đã vốn dĩ điên đảo, tinh thần tự do của con người phản kháng cần một cuộc điên đảo nhị bội để “chống lại những oái ăm của thế sự, tìm lại nhịp thăng bằng giữa đảo điên, chinh phục lại cái tự do chân chính của con người vốn thường bị lạc lối giữa mê cung”(3); Can đảm thừa dũng khí đạp bỏ “ước lệ”, trực tiếp bước lên ngôi vị của tự do, coi ánh mắt thị phi như âm thanh trống rỗng của hư vô, bỏ lại phía sau định mệnh điêu tàn muôn đời chìm trong bóng tối của ý thức. Bởi lẽ con người triết gia thy sỹ, người nghệ sỹ bi tráng của Bùi Lão có con mắt tinh tường đã nhìn ra đời sống bên ngoài sân khấu, can đảm thừa dũng khí để đi bước siêu nghiệm tồn sinh trong cuộc lữ chọc thủng tấm màn sân khấu che đậy thực thể như một nỗ lực tạo nên một cuộc tương phùng và dung thông giữa hiển thể và thực thể, giữa giả và thật, mượn “giả” để hiển “thật”, mượn “thật” để đốn “giả”.
Sa mạc phát tiết & Thi ca tư tưởng - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả. Ảnh: Min
Tương truyền, trong giai thoại thiền “niêm hoa vi tiếu” (trong Đại Phạm Thiên Vương vấn Phật Quyết Nghi Kinh) Như Lai đã không tuyên thuyết pháp thoại như thường lệ, mà như như im lặng trong sự đợi chờ hoang mang và hoài nghi của thính chúng. Như Lai đã im lặng, xuyên suốt im lặng như đã im lặng nghìn năm, như đã “không nói lời nào trong 49 năm” rồi lặng lẽ đưa lên một cành hoa để tuyên thuyết cái thực tại vô ngôn tịch tịnh, để “nói điều không thể nói, nói điều Ngài không có nói, không nói điều Ngài đang nói”. Cho nên trong cơn nổi hứng lộng lẫy “điên” của mình, Bùi Lão tiên sinh đã thấy mình diện kiến và đối đáp cùng Như Lai trong “Ngày tháng ngao du” (4):
“ - Bùi Bồ Đề! Ý ông thế nào? Cõi lòng của Mẫu Thân Phùng Khánh có từ bi bằng cõi lòng của ta chăng?
- Chẳng bằng.
- Bùi Bồ Đề! Ý ông thế nào? Cõi lòng của ta có từ bi bằng cõi lòng Mẫu Thân Phùng Khánh?
- Chẳng bằng.
- Bùi Bồ Đề! Ý ông thế nào? Hai lần đáp chẳng bằng có phải là rất mực bằng chăng?
- Rất mực.” (5)
Thi sỹ triết gia hay người nghệ sỹ bi tráng đơn độc mở cuộc chiến xua bóng tối của thói quen, của thành kiến ra khỏi tâm thức con người; dám chấp nhận sự sụp đổ của văn minh, hân hoan nhảy múa trên sự tàn lụy của niềm tin mù quáng hay sự sùng bái thần tượng, Nietzsche nói “hoặc chúng ta phá hủy sự sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá hủy chính chúng ta”.
Con đường ngả ba - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả. Ảnh: Min
Bùi Lão Tiên Sinh đã đi xa nhưng âm thanh vô cùng của buổi chiều tà vẫn còn đó, âm hưởng thi ca của ông vẫn còn ngân dài điệu thánh thót trong những buổi chiều hoàng hôn phủ ánh tịch dương hồng trên vực thẳm của lý trí, vẫn lấp lánh ánh hào quang chiếu rọi lên linh hồn của dân tộc. Dù là nơi trang trọng của thánh đường hay trong đêm mùa hè hoang vắng nào đó nơi tàn lụi của phế tích, ánh hào quang ấy vẫn còn chiếu rọi, hào quang của một người điên, một người đã lộng lẫy điên mà rồi trăm năm sẽ vẫn còn đó, vẫn còn ngự trị trên ngôi vị của tự do.
“Ta đã hái nhành hoa kia của đá
Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng.” (Bùi Giáng).
Huệ Quang, 12/2017
Uyển Lan
(1), (2), (4) Các tác phẩm của Bùi Giáng.
(3) Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại - Bùi Giáng, trang 562.
(5) Ngày tháng ngao du - Bùi Giáng, trang 139.