Hán văn có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ, học thuật nước nhà và là phương tiện tiếp thụ văn chương, tư tưởng Trung quốc - một nước có vị trí địa dư, quá trình lịch sử và nền văn hóa ảnh hưởng lơn lao đối với Việt nam. Bởi những lẽ đó, môn Hán văn hiện chiếm một địa vị quan trọng tại các trường Đại học Văn khoa trong nước. Các bạn sinh viên năm thứ nhất, tùy theo ban, hoặc bắt buộc phải học Hán văn hoặc có thể chọn lựa môn này thay thế một môn phụ khác. Ngoài ra, nhiều bạn dù không phải là sinh viên Văn khoa, xong nhận thức được lợi ích của Hán văn, cũng muốn tự học chữ hán. Sách này dành cho các bạn vừa kể, nội dung chia làm 3 phần:
Phần thứ nhất gồm những vấn đề căn bản, cần thiết cho việc học Hán văn, cách viết chữ hán, văn tự Trung hoa, lục thư, cách tra các tự điển chữ Hán, 214 bộ chữ Hán.
Phần thứ hai gồm có 50 bài học xếp theo chủ điểm, từ thân thể, gia đình rộng ra đến quốc gia xã hội để người học có một số vốn chữ Hán thông dụng về mỗi vấn đề. Mỗi bài học chia làm 5 phần: bài đọc chữ Hán (trích trong các sách giáo khoa của ta và của Tàu), phiên âm, chữ mới, dịch nghĩa và văn phạm. Ngoài tiêu chuẩn chủ điểm, việc biên soạn phần này còn dựa theo hai nguyên tắc sư phạm: từ dễ đến khó và từ cụ thể đến trừu tượng. Muốn dễ nhớ mặt chữ, các bạn cần phải vận dụng ký ức thị giác (nhìn kỹ tự - dạng mà nhớ) và ký ức đồ tả (viết nhiều lần mà nhớ). Riêng các bạn tự học, vì không được nghe giảng về tự - nguyên, cách cấu tạo các chữ Hán phải dựa vào những điều đã học ở bài Lục thư và 214 bộ chữ Hán để phân tích các chữ mới, hầu suy từ chữ nọ ra chữ kia mà nhớ.
Phần thứ ba trích giảng một số bài thơ Đường giản dị để các bạn có dịp làm quen với thi ca Trung quốc.
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của Nguyễn Khuê)